Nhu cầu hàng hóa tại Trung Quốc nghèo nàn và giá cước giảm dẫn đến thay đổi đáng kể trong việc triển khai đội tàu toàn cầu. Hơn 565.000 TEU trọng tải đã bị loại bỏ khỏi tuyến Á – Âu và Châu Á – Bắc Mỹ trong năm 2022. Tiến trình này vẫn còn tiếp tục khi mà Hapag-Lloyd đã đóng tuyến Trung Quốc – Đức và Ellerman tái cấu trúc lại tuyến xuyên Đại Tây Dương để hiệu quả hơn.
Hoạt động đội tàu trên tuyến xuyên Đại Tây Dương trong năm 2022 đã tăng ấn tượng với 16,2%, tương đương 162.300 TEU tàu được bổ sung. Tuy nhiên, sự thay đổi trọng tải lớn nhất diễn ra trên tuyến Trung Đông và Ấn Độ với 320.600 TEU tàu được bổ sung trong năm ngoái (tương đương mức tăng 11%).
Đội tàu container toàn cầu đang triển khai trên các tuyến
Các cảng Ấn Độ hiện tại có thể khai thác các tàu 13.000 đến 15.000 TEU được thay thế bởi các tàu Megamax trên tuyến Đông-Tây. Mối quan tâm ngày càng tăng với tuyến Ấn Độ được thể hiện qua việc các công ty thành viên của COSCO là COSCO Shipping Line và OOCL triển khai một tuyến Đông Nam Á-Ấn Độ-Bờ Đông Mỹ (‘AWES/ISE’) hồi tháng 12/2022 sau khi đóng cửa tuyến Trung Quốc-Việt Nam- Bờ Đông Mỹ (‘AWE6/VCE’).
MSC và Maersk sẽ ngừng quan hệ đối tác 2M vào năm 2025
Tuần trước, hai hãng tàu lớn thứ nhất và thứ hai thế giới đã thông báo sẽ ngừng thỏa thuận chia sẻ tàu 2M vào đầu năm 2025. Một tuyên bố chung được đưa ra vào hôm 25/01 vừa qua, MSC và Maersk cho biết cả hai hãng đã thỏa thuận ngừng liên minh 2M sau 10 năm hoạt động.
MSC và Maersk cùng tuyên bố rằng nhiều điều đã thay đổi kể từ khi hai công ty ký thỏa thuận 10 năm vào năm 2015. Các hãng vận tải cho biết: “Việc ngừng liên minh 2M mở đường cho cả hai hãng tiếp tục theo đuổi các chiến lược riêng của họ”.
Sự tan rã của MSC và Maersk chắc chắn sẽ mang lại những thay đổi đáng kể cho bối cảnh vận tải biển toàn cầu. Có khả năng việc này có thể kích hoạt việc tổ chức lại các liên minh hiện tại, khi mà các hãng tàu đang tham gia vào ba liên minh lớn gồm 2M, OCEAN và THE Aliance xem xét lại các chiến lược dài hạn.
Bên cạnh liên minh OCEAN (CMA CGM, COSCO, Evergreen và OOCL) và THE Alliance (Hapag-Lloyd, ONE, HMM và Yang Ming), Thỏa thuận chia sẻ tàu 2M là một trong những liên minh vận tải toàn cầu hiện nay.
Không giống như hai liên minh kia, 2M luôn tránh biệt danh ‘liên minh’ và tự gọi mình là Thỏa thuận chia sẻ tàu. Tuy nhiên, đối với tất cả ý định và mục đích, nó có thể được coi là một liên minh vận chuyển. 2M được thành lập vào năm 2014 và bắt đầu hoạt động vào tháng 01/2015. Ban đầu, MSC và Maersk đã lên kế hoạch hợp tác với CMA CGM và tạo thành bộ ba hãng vận tải, nhưng sự phản đối từ cơ quan quản lý của các chính phủ đã chấm dứt kế hoạch này.
Bên cạnh các đối tác chính là MSC và Maersk, 2M cũng hợp tác với một số ít các hãng vận tải khác trong một số tuyến được chọn. Bao gồm HMM, sau này trở thành thành viên của liên minh THE Alliance, cũng như ZIM và SM Line.
Giống như tất cả các liên minh lớn, phạm vi hoạt động chính của 2M là ba tuyến trên hành lang Đông – Tây: Thứ nhất là Viễn Đông – Châu Mỹ, thứ hai là Viễn Đông – Châu Âu / Địa Trung Hải và thứ ba là Châu Âu – Bắc Mỹ. So với liên minh OCEAN và THE Alliance, phạm vi hoạt động của 2M thậm chí còn hạn chế hơn vì nó không bao gồm các tuyến đến và đi từ Trung Đông.
Các đối tác 2M hiện kiểm soát 33,7% đội tàu container toàn cầu: MSC với 4,63 triệu TEU/17,6%, trong khi Maersk có 4,23 triệu TEU/16,1%. Tuy nhiên, không phải tất cả đều được triển khai theo thỏa thuận 2M.
MSC hiện chỉ sử dụng 25% công suất đội tàu của mình (1,15 triệu TEU) trong 2M, trong khi Maersk triển khai 39% (1,66 triệu TEU) đội tàu của mình trong mạng lưới dịch vụ của đối tác. Điều này dẫn đến tỷ lệ phân chia 41%-59% trong 2M. Phần còn lại của đội tàu cả hai hãng hoạt động trên các tuyến độc lập hoặc trong các hợp tác khu vực khác.
Kể từ khi ra mắt 2M, cả MSC và Maersk đều tăng trưởng ồ ạt. Đội tàu của MSC đã tăng gần gấp đôi từ 2,54 triệu TEU vào tháng 01/2015, trong khi Maersk đứng ở mức 2,89 triệu TEU, gần ba năm trước khi tiếp quản Hamburg Sud.
Lược dịch: MKT