Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) vừa bổ sung thêm một cẩu giàn và sẽ sớm đưa vào khai thác. Như vậy CMIT sẽ có tổng cộng 6 cần cẩu giàn, tất cả được thiết kế để xếp dỡ tàu container megamax thế hệ đầu tiên có sức chở lên đến 18.000 TEU.

Hãng sản xuất cần cẩu Trung Quốc đã bàn giao cẩu mới được lắp ráp hoàn chỉnh đến cảng Cái Mép hôm 13 tháng 12 trên tàu vận tải ZHEN HUA 28.

Cẩu giàn mới có sức nâng 100 tấn và tầm với 23 hàng (row). Theo CMIT thì cần cẩu thứ 6 này dự kiến được lắp đặt và kiểm tra trong tháng 12 và đưa vào khai thác trong tháng 1 năm sau.

CMIT là liên doanh giữa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Cảng Sài Gòn và APM Terminal được thành lập năm 2007 và được đưa vào khai thác năm 2011. CMIT có tổng chiều dài cầu tàu 600m với công suất thiết kế 1,1 triệu TEU/năm.

CMIT là bến cảng nằm tại khu cảng Cái Mép, hầu hết khu cảng này được phát triển từ những năm 2010. Hiện tại Cái Mép gồm các bến: Cảng Quốc tế Gemalink (GIP), Cảng Quốc tế SP-SSA, Tân Cảng Cái Mép Thị Vải (TCTT), Tân Cảng Quốc tế Cái Mép (TCIT) và Cảng Container Tân Cảng-Cái Mép (TCCT).

CU Line và BAL mở tuyến mới Trung Quốc-Việt Nam

China United Lines (CULines) sẽ mở một tuyến mới kết nối Nam Trung Quốc và Miền Nam Việt Nam với tên China Vietnam 3 (CV3).
Tuyến mới được triển khai từ ngày 17/12 có vòng xoay cảng gồm Nansha, Shekou, Hồ Chí Minh (Cát Lái) và Nansha với thời gian chạy vòng tròn là 10 ngày, sử dụng tàu OCEAN GRACE (1.113 TEU).

Cùng với đó một hãng vận chuyển khác của Trung Quốc là BAL Container Line cũng giới thiệu một tuyến ngắn mới kết nối Nam Trung Quốc và Miền Nam Việt Nam với tên South Vietnam Express ‘SVX’.

Tuyến ‘SVX’ sẽ kết nối Da Chan Bay và Nansha của Trung Quốc với Hồ Chí Minh của Việt Nam. Tuyến được bắt đầu với tàu BAL STAR (706 TEU) từ 20/12 tại cảng Da Chan Bay.

Lược dịch: VNS